Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Sự vô cảm đang hoành hành








Sự kiện anh Nguyễn Thanh Chấn, từ một người vô tội, con liệt sĩ, trong chốc lát trở thành kẻ giết người với án chung thân - may là anh con liệt sĩ nên được chung thân chứ nếu tử hình anh rồi thì giờ tất cả ngồi “ăn cho hết”- từ dân gian hay dùng - thì tất cả mọi thứ đã được bày ra, trong đó nổi lên là sự vô cảm của các cơ quan công quyền.

Phạm nhân kêu oan, luật sư kêu oan, gia đình kêu oan, báo chí kêu oan... tất cả mọi người kêu oan, chứng cứ chứng minh oan, nhưng cơ quan điều tra, công tố, xét xử 2, 3 cấp đều bỏ ngoài tai, vẫn quy tội giết người, thậm chí dùng lời văn du dương chứng minh “bị cáo nại ra để trốn tránh trách nhiệm”, còn phịa ra bị cáo cưỡng dâm không thành, trong khi thủ phạm thực sự chỉ cướp tiền... Phạm nhân tố cáo trước tòa là bị bức cung, tòa cũng bỏ ngoài tai...

10 năm, tan nát một gia đình. Con thề đi làm ôsin suốt đời để minh oan cho bố. Vợ văn hóa lớp 3, liên tục đi kêu oan cho chồng đến mức bị tâm thần, hàng đống đơn đã im lặng nằm ở đâu đó, không có hồi âm, để người đàn bà đau khổ này phải bất đắc dĩ thay mặt cơ quan điều tra trực tiếp điều tra. Và chính chị đã tìm ra kẻ giết người thật sự của vụ án, báo cho cơ quan chức năng đến bắt.

Chỉ cần điểm sơ qua như thế đủ thấy chúng ta, bộ máy công quyền ấy, đã vô cảm thế nào trước thân phận của những người dân. Nhiều số phận cá nhân sẽ thành số phận dân tộc. Thế mà đến giờ, 2 ông ngồi xử trả lời ráo hoảnh là quên rồi, có hỏi thì hỏi Quốc hội ấy. Cái tâm lý đổ tội cho tập thể nó ăn sâu đến mức kinh khủng như thế. Còn các điều tra viên đã ép cung, bức cung, các KSV đã làm ngơ, im lặng, đồng lõa... chưa thấy họ lên tiếng.

Bao nhiêu đơn từ trong 10 năm qua đã nằm ở đâu? Các cơ quan ăn lương của dân để bảo vệ dân. Họ đã làm gì để bảo vệ anh Chấn và gia đình suốt 10 năm qua?... Và chỉ ở tỉnh Bắc Giang thôi, hiện người ta đang phát hiện có đến 3, 4 vụ oan hoặc đang kêu oan, trong đó có người đang chờ... thi hành án tử hình.

Phải nhìn thẳng mà nói thật với nhau rằng, văn hóa của chúng ta đang có vấn đề, đang khủng hoảng rất nặng, ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa.

Cái gốc rễ của văn hóa là sống đẹp, sống tốt với nhau, sống vì nhau đang bị tha hóa. Bây giờ người ta chỉ sống cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng hiếm. Bằng mọi cách người ta làm giàu và phô phang chuyện giàu. Người ta vô cảm trước mọi thứ, nên mới có cảnh hàng trăm người lao vào đánh chết vài kẻ trộm chó, mới có chuyện đơn từ của dân gửi đi cứ lòng vòng đùn đẩy cả chục năm không ai để mắt đến!...

Người ta tha hóa và vô cảm từ những cái đơn giản nhất

Nhà tôi ở trước một trường mẫu giáo. Thường thì trên đường chở con đi học bố mẹ hay mua đồ cho con ăn, và đến gần cổng trường thì chúng... hoàn thành nhiệm vụ, đưa vỏ hộp hoặc giấy gói cho bố mẹ chúng. Và bố mẹ chúng thản nhiên... thả ngay xuống đường, đến nỗi có nhiều đứa con phải túm áo bố mẹ cương quyết bắt bố mẹ xuống nhặt chỗ rác họ vừa vứt xuống ấy, hoặc là mang bỏ đúng thùng rác, hoặc là mang theo đến cơ quan mà bỏ...

Đến to hơn, như đã bỏ mặc chiếc tàu bị nạn suốt 6 tiếng đồng hồ trên biển để rồi có đến 9 người chết. Nếu người ta dũng cảm, ngay từ đầu đã báo tin một cách trung thực, hoặc 2 chiếc tàu đi cùng cố gắng tối đa, không dửng dưng chạy qua như thế, có thể số nạn nhân sẽ ít hơn, tai nạn sẽ bớt thảm khốc hơn...

Điều gì đã làm cho con người hôm nay lạnh lùng vô cảm đến như thế? Điều gì đã khiến cho cái ác ngày càng ác hơn như thế?...

Có lỗi ở cả văn hóa ứng xử và ứng xử văn hóa

Người ta chú ý tới những cái to lớn, cái vĩ đại, mà quên đi những cái tưởng nhỏ nhặt vụn vặt, nhưng lại là gốc rễ của văn hóa.

Ở huyện Ia Pa, Gia Lai, mấy ông công an đánh một thằng cu 17 tuổi thừa chết thiếu sống vì cãi nhau trong quán karaoke. Vấn đề là không chỉ cáu lên nện một trận rồi thôi, mấy viên công an này đã dong đi nhiều nơi đánh thằng cu nhiều lần trong nhiều giờ ở nhiều địa điểm. Cu này phải đi cấp cứu dài ngày ở bệnh viện và các viên công an này không bị truy cứu vì chấn thương mới chỉ có... 4%.

Ở Thanh Hóa tỉnh, Cẩm Thủy huyện, Cẩm Vân xã có vụ xí nghiệp hóa chất chôn thuốc trừ sâu năm này sang năm khác, ô nhiễm đến chết người nhưng chính quyền không biết dù dân đã nộp đơn tố cáo từ lâu. Dân đành “tự cứu” bằng cách phong tỏa nhà máy, tự mình điều tra, lập chốt canh giữ hàng mười mấy ngày nay rồi. Trong khi ấy thì bộ máy công quyền chạy rất chậm, thầy đổ tớ tớ đổ thầy, đến nỗi dân chính thức tỏ ý nghi ngờ chính quyền cố tình tạo điều kiện cho nhà máy đánh tháo, thậm chí nữa, một tờ báo còn ngỏ ý nghi ngờ, ngay công an cũng cố tình bao che...

Đau lòng đến nỗi, bây giờ muốn làm người tốt, người không vô cảm cũng khó, bởi sẽ không ai tin. Ví dụ ra tay nghĩa hiệp chẳng hạn, một là nhừ đòn vì người ta sẽ tưởng mình là cướp, hai là người bị hại cũng sẽ không tin là tại sao bây giờ lại có người... tốt, giúp mình, nên cũng sẽ thẳng thừng từ chối.

Sự vô cảm liệu đã đến mức vô phương rồi?




Đăng ký: Bản tin Xã Hội

Nguồn tin

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Lạ với tục 10 năm mới được động phòng



10 năm mới được động phòng

Bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bản của người Xinh Mun, nằm trên một dải đất có địa thế đặc biệt. Án ngữ ở phía tây là đỉnh Pha Lanh cao ngút ngát, nơi một giọt nước trời rơi xuống bị chẻ làm đôi, một nửa chảy về Việt Nam, một nửa ngấm vào đất Lào; phía đối diện là dòng Mã giang hung dữ, cục cằn, đêm ngày gầm gào như muốn phá nát vùng trời yên ả.


Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Xinh Mun | Đọt Chuối Non
Muốn đến được bản Puông phải luồn qua những con đường mòn rậm rạp dẫn lối ra bờ sông Mã, sau đó “nghênh chiến” với tử thần khi đi qua chiếc cầu tre èo ọt, nổi lềnh phềnh trên mặt nước nhờ những chiếc thùng phuy sắt gắn phía dưới.

Mặc dù đã quen thuộc với tục hôn nhân ở rể của nhiều dân tộc vùng cao Tây Bắc như Thái, Dao, Tày..., nhưng sự hà khắc và những quy định “trần đời có một” trong tục ở rể truyền thống của người dân tộc Xinh Mun vẫn khiến nhiều người lấy làm lạ lùng.

Khi cái bụng của chàng trai và cô gái đã ưng nhau bố mẹ chàng trai sẽ mang một chai rượu đến nhà gái hỏi vợ cho con. Nếu được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ rót rượu chung vui và bàn ngày cưới hỏi.

Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun đơn giản đến bất ngờ. Nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc một đôi gà (miễn là phải có đủ 1 chân) cùng hai vò rượu cần sang nhà gái, sau đó tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và làm tằng cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp ý nghĩa, rằng từ nay cô gái đã có chồng, bông hoa rừng đã có chủ. Bất cứ chàng trai nào cũng không được tăm tia, chọc ghẹo).

Lễ cưới đơn sơ ấy phản ánh cái nghèo đến xơ xác của người Xinh Mun. Nhà gái chịu thiệt về vật chất, nhưng bù lại, họ được sở hữu một chàng rể sức vóc, đảm đương những việc nặng nhọc nhất, từ phát nương trồng ngô đến chăn trâu cắt cỏ, đan lát các vật dụng trong gia đình… từ 8 đến 12 năm.

Trong suốt thời gian ở rể, chàng trai phải ngủ cách ly trong một căn phòng bé xíu ở đầu hồi, tuyệt đối không được nằm cùng giường với vợ vì chưa trả đủ công ơn của bố mẹ nàng dâu.

Khi con gà rừng mới cất tiếng thứ tư, trời vẫn mờ tối, chàng rể lại lục tục dậy mài dao, cắt cỏ cho trâu ăn rồi cuốc bộ lên nương cầm gậy chọc lỗ tra hạt ngô, gánh nước tưới. Thời điểm bắp ngô bắt đầu phun những sợi râu đỏ tia tía đến khi thu hoạch, chàng trai không được về nhà mà phải khuân nồi, niêu và gạo lên lán nương tự nấu ăn và canh giữ.

Sau 12 năm trả xong nợ công nhà vợ và rước nàng dâu về nhà, bố vợ sẽ trả ơn chàng rể 2 con lợn giống, 2 cái chăn, 2 cái gối và một cái đệm. Về sau, thời gian ở rể rút ngắn xuống còn 6 năm, 2 năm còn lại phải trả bằng 6 đồng bạc trắng.

Có cặp vợ chồng không kiêng được chuyện giường chiếu, xé rào luật tục bị dân bản tẩy chay, gia đình từ mặt, phải bỏ bản đi nơi khác sinh sống. May thay, tục lệ hôn nhân hà khắc này dần dần được giảm bớt.

Khổ như làm lễ cúng lúa mới

Ngày trước, đất bản Puông tháng ngày không có lịch, thế nên chẳng ai quan tâm khi nào đến rằm, bao giờ đến Tết, ngày nào phải làm giỗ tổ tiên. Đối với người Xinh Mun, “Tết” chính là ngày cúng ma bản nhằm xua đuổi mọi tai ương, đến bây giờ vẫn được duy trì thường niên.

Lạ với tục 10 năm mới được động phòng | Sơn La, Xinh Mun, Phong tục, Động phòng, Đám cưới, Ở rể, Hủ tục, Tín ngưỡng

Người Xinh Mun mỗi năm chỉ dọn nhà 1 lần để đón mùa ban nở. Ảnh: cinet

Mỗi gia đình phải đóng góp rượu, gạo và tiền để mua một con lợn làm lễ cúng, sau đó hát hò nhảy múa linh đình. Theo một số cao niên trong bản kể lại, từ xa xưa, vào đúng ngày cúng ma bản, thầy mo sẽ làm bùa ngải để giết chết một người đi theo hầu hạ ma bản. Nhưng hành vi tàn nhẫn này đã bị xoá bỏ rất lâu.

Khi những bông lúa chín nhuộm vàng nương ruộng cũng là lúc các gia đình người Xinh Mun cúng hồn lúa. Nếu chưa làm nghi lễ này thì lúa chín rụng cũng không được thu hoạch, đói đến mấy cũng không được phép cầm liềm gặt, phải ăn củ nâu, củ mài sống qua ngày đoạn tháng.

Bởi, tổ tiên chưa được ăn thì con cháu chưa đến lượt. Lễ cúng phải có ít nhất 7 con vật sống trên rừng (như chuột dúi, gà rừng, chim, sâu măng - cây măng nhú cao đến đầu gối có sâu đục bên trong, lợn rừng, rắn, thằn lằn); ít nhất 7 con vật sống dưới nước (tôm, cua, cá, ốc, lươn, hến, trai); tất cả các loại dưa trồng trên nương; 4-5 ống cơm lam và một quả dừa.




Đăng ký: Bản tin Xã Hội

Nguồn tin

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Translate

Nguồn Tin Việt

Danh sách Blog

Websites