Giám đốc Công an Bùi Tuyết Minh trong những lần làm công tác xã hội, thăm gia đình nghèo.
Kế thừa truyền thống gia đình hào hùng cộng đức tính quả quyết, sáng tạo đã hun đúc nên Bùi Tuyết Minh - một nữ tướng đầu tiên của ngành công an Việt Nam.
Nữ trinh sát an ninh tuổi 19
Giữa năm 2011, chúng tôi có dịp gặp bà khi bà vừa được phong chức Giám đốc công an tỉnh Kiên Giang, cũng là nữ giám đốc công an cấp tỉnh thành đầu tiên trong cả nước. Lần đó chúng tôi đã thực sự bất ngờ và xúc động khi nghe được câu chuyện của bà.
Thương yêu cha, tự hào về người mẹ yêu kính hy sinh trong chiến tranh, Bùi Tuyết Minh quyết định tiếp nối truyền thống gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ. Chỉ mới 19 tuổi, bà trở thành chiến sĩ trinh sát an ninh.
Những năm sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền mới thành lập, các phần tử xấu vẫn còn hoạt động sẵn sàng chống lại nên công việc ở bộ phận này rất vất vả và nhiều hiểm nguy. Nhưng chính bà cũng không rõ vì sao lại rất yêu, rất mê công việc trinh sát an ninh.
Thời điểm đó lực lượng công an có thể nói là mới thành lập, còn rất sơ khai. Nên gần như không có lý thuyết kỹ thuật, nghiệp vụ gì nhiều đã đành, mà những bài học đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cũng rất hiếm hoi. Lãnh đạo giao nhiệm vụ chỉ nói đầu công việc, người chiến sĩ nhận nhiệm vụ hầu hết phải tự sáng tạo, tùy cơ ứng biến để đạt được hiệu quả.
Có lần phải nắm tin một tổ chức tội phạm, bà tự nghĩ cách và tiếp cận kết bạn với một nam thanh niên có vai trò quan trọng trong tổ chức này. Nhưng bất ngờ đến gần ngày phá án, nam thanh niên này đề nghị được ra mắt gia đình. Khi cùng về đến đầu ngõ, bà mới sực nhớ trên tường nhà treo đầy huân chương, huy chương, bằng liệt sĩ, bằng khen của ngành công an.
Trong giây phút bất ngờ đó bà trở nên sáng tạo. Bà buộc người thanh niên đứng chờ ngoài ngõ để vào xin phép người nhà, được đồng ý mới cho vô. Bà nội của Tuyết Minh lần đó vô cùng kinh ngạc khi thấy cháu gái chạy xồng xộc vào nhà vơ hết tất cả các thứ trên tường tống đại vào buồng, rồi lại chạy ra ngõ dắt người bạn vô giới thiệu. Kể từ lần đó, sau này thành phản xạ, bà không bao giờ treo bất cứ thứ gì lên tường, dù đó là một bức tranh đẹp mà bà yêu thích.
Trong công tác trinh sát, cái khó ở chỗ bà là nữ, lại còn quá trẻ, làm công việc này lại đòi hỏi sự xông pha lăn lộn, và kể cả yếu tố gan dạ, dám xông vào nơi có khả năng nguy hiểm đến cả tính mạng. Bà đặc biệt thích làm việc với những người lãnh đạo khó tính, bởi những người khó tính rất nghiêm khắc trong công việc. Nhưng đó chính là sự chu đáo cẩn trọng và dày dạn kinh nghiệm.
Nhờ đó bao nhiêu phen xông pha nguy hiểm, bà đã cùng đồng đội phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ mà ít phải trả giá do sơ sẩy. Giờ tuy đã trở thành lãnh đạo cấp cao rồi nhưng bà vẫn luôn học hỏi, kể cả học hỏi ở cấp dưới của mình. “Ví dụ như ở mảng điều tra, mình chưa tiếp cận nhiều thì mình phải học hỏi lại anh em. Điều đó người làm lãnh đạo như mình rất cần thiết”, bà nói.
Bà Bùi Tuyết Minh được phân công làm Đội phó đội Trinh sát ngoại tuyến trực thuộc giám đốc từ rất sớm. Năm 1989 làm Phó trưởng phòng tham mưu ban chỉ huy an ninh. Năm 1996 giữ vị trí Trưởng phòng công tác chính trị. Năm 1999 Trưởng phòng Tổ chức, rồi trở thành Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang vào năm 2004 và Giám đốc Công an vào tháng 6/2011. Bà cũng có nhiều lần được thăng cấp trước thời hạn, từ tạm tuyển đến thăng cấp chuẩn úy năm 1986 trước thời hạn 2 năm, và gần đây nhất thăng quân hàm đại tá cũng trước thời hạn 1 năm.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho bà Bùi Tuyết Minh lúc đó là Đại tá.
Tuổi thơ định mệnh
Năm 1962, thời điểm chiến sự ác liệt. Từ trên máy bay bom đạn trút xuống rừng U Minh, dưới đất lính Mỹ - Diệm lùng sục, lật từng chiếc lá cành khô lên để tìm diệt “cộng sản”. Trong cảnh khốc liệt đó, người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Kim Lựu (mật danh Bảy Hồng) hạ sinh một bé gái trong ngôi nhà vách lá dừa nước của người dân ở vùng rừng thuộc tỉnh Rạch Giá. Đó là Bùi Tuyết Minh.
Nhưng chỉ mới 2 tháng sau khi chào đời, Tuyết Minh đã phải dứt khỏi bầu sữa mẹ. Kể từ đây đứa bé có một cuộc sống khác hẳn những đứa bé cùng tuổi khi phải chịu đựng những hoàn cảnh éo le ngặt nghèo.
Những người con của bà nội của Tuyết Minh, trong đó có ông Bùi Văn Nhứt tức Trần Bình (Mười Bình), đều hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bí mật trong cứ. Vì vậy, để Tuyết Minh có một lý lịch hợp lý nhằm che mắt chính quyền Mỹ - Diệm, bà nội đưa Tuyết Minh lên Sài Gòn, hợp thức hóa làm con của người cô ruột của Tuyết Minh. Sau đó, bà nội đưa Tuyết Minh về lại thị xã Hà Tiên, vào sống trong Chùa Thần.
Hơn chục năm tá túc trong chùa, Tuyết Minh cứ như cây cỏ hồn nhiên khỏe mạnh, cứ thế lớn lên, bên cạnh người bà gần gũi nuôi nấng bảo bọc chở che. Chính vì gọi cô ruột là mẹ nên đương nhiên bà nội trở thành bà ngoại. Tuyết Minh không hề biết sự thật này, cho đến một ngày…
Đó là một ngày năm 1975, khi hai miền Nam Bắc đã thống nhất. Một người đàn ông mặc bộ đồ bạc phếch nhưng có đôi mắt sáng và cương nghị, vai mang chiếc ba lô sờn cũ bước vào ngôi chùa nơi hai bà cháu tá túc. Tuyết Minh thấy lạ khi bà ngoại và người đàn ông này rất thân thiết. Bà sờ nắn người đàn ông từ đầu đến tay, có vẻ rưng rưng muốn khóc.
Tối hôm đó một cuộc họp gia đình được tập hợp. Trước mặt mọi người, bà ngoại kể tất cả sự thật. Tuyết Minh nghe mà rất đỗi ngỡ ngàng. Bao nhiêu năm đã có một gia đình, có cha có mẹ đầy đủ, nay bất ngờ cha mẹ lại là cô dượng, bà ngoại giờ là bà nội. Rồi lại có một người đàn ông lạ hoắc nhận làm cha.
Còn mẹ Tuyết Minh thì được bà nội cho biết, năm 1971, trong một lần đi công tác ở vùng rừng U Minh Thượng, bà Bảy Hồng lúc đó là Phó trưởng tiểu ban bảo vệ chính trị Nội bộ của Ban an ninh tỉnh Rạch Giá, đã hy sinh trên chiến trường U Minh Thượng.
Quá nhiều thứ đến một lúc và quá đột ngột. Cảm xúc trong Tuyết Minh lúc đó lẫn lộn vô cùng khó tả. Bà muốn khóc. Chính bà cũng không biết bà khóc vì mừng vui hay hụt hẫng. Bà vẫn cứ như mình nghe nhầm. Nhưng nhầm sao được, khi người bà mà Tuyết Minh thực lòng yêu kính đã nói ra thì chắc chắn không thể nào sai.
Sau ngày đó, ông Mười Bình đưa bà cháu lên thị xã Rạch Giá để phụng dưỡng mẹ, nuôi dạy con gái. Ông Mười Bình cũng không đi bước nữa, ở vậy nuôi con.
Nhưng Tuyết Minh thú thật, mặc dù đã ở với ba, nhưng có đến mấy năm sau đó tình cảm trong bà vẫn cứ chông chênh. Mãi sau này khi vào công an, hiểu được cái khắc nghiệt của công việc, sự mất mát đau thương quá lớn của chiến tranh, yêu thương người mẹ đã hy sinh một cách anh dũng và cao quý, bà càng thương ba nhiều hơn.
Sau này bà được bà nội nhắc lại, năm Tuyết Minh lên 4 tuổi, bà nội nói là đưa đi Sài Gòn để thăm cậu mợ, tức cha mẹ ruột của Tuyết Minh. Nói là đi Sài Gòn nhưng lại là vào cứ nơi cha mẹ Tuyết Minh đang hoạt động.
Ký ức của bà còn nhớ và sau này lớn lên một chút bà thắc mắc, sao đường lên Sài Gòn mà đường đi toàn cây cối rậm rạp, gai góc um tùm. Có lẽ tình máu mủ thiêng liêng gắn bó vô hình, khiến mấy ngày trong cứ, đứa bé 4 tuổi cứ đeo bám, quẩn quanh bên ông Mười Bình và bà Bảy Hồng không khi nào rời.
Chồng là lính, vợ là sếp
Bà nói rằng là nữ tướng của một ngành thuộc “nghề võ”, đương nhiên sẽ gặp nhiều cái khó khăn hơn so với nam giới. “Ví dụ như các anh khi hết giờ làm việc ở cơ quan thì vẫn còn có thể la cà với bạn bè ly bia, nhưng mình là phụ nữ vẫn phải chu toàn việc nhà”, bà tâm sự. “Kể cả, những buổi tiếp khách, tiệc chiêu đãi, mình dù là nữ nhưng lại là lãnh đạo nên không thể không chạm cốc với khách, cũng không thể uống "tới bến" như các anh em nam giới”.
Bà Bùi Tuyết Minh trao quyết định giao nhà tình nghĩa của công an Kiên Giang cho gia đình chính sách ở huyện Vĩnh Thuận.
Hoặc làm lãnh đạo mà nữ tính quá thành yếu ớt thì cũng không quyết đoán được trong công việc, mà cứng rắn quá thì cũng không được vì đó không phải là mình. Nhưng để hài hòa hai yếu tố ấy quả thật không thể dễ dàng.
Có một điều rất may mắn, là trong thành công hôm nay của bà, có sự đóng góp âm thầm của một người. Đó là ông Trần Quốc Thắng, vừa là người đồng chí, đồng đội, chia sẻ vui buồn khó khăn trong công tác, vừa là người chồng thương yêu và chia sẻ việc nhà để bà yên tâm đảm nhận trách nhiệm nặng nề. Khi chúng tôi hỏi vui một câu cảm tưởng khi vợ là lãnh đạo còn chồng là “lính”, ông Thắng không hề mặc cảm mà còn thích thú, tỏ ra rất tự hào.
Bà lập gia đình trễ, năm 30 tuổi. Ông và bà có hai con, một trai một gái. Nhà không thuê người giúp việc, nên từ việc nhà, cơm nước, chăm sóc nuôi dạy con cái từ trước tới giờ, vợ chồng xắn tay áo như nhau. Ông mà đi làm về trước thì cũng là một nội trợ thực thụ.
Khi ông Mười Bình ngã bệnh 8 năm rồi mới mất, bà đang trong giai đoạn phấn đấu, rồi làm đại biểu Quốc hội, đi họp mỗi năm 2 kỳ mất đứt 3 tháng, chưa kể tiếp xúc cử tri, họp hành liên miên không dứt. “Nếu không có anh hai vai hai gánh, vừa công tác vừa việc nhà và con cái, thì tôi cũng khó mà phấn đấu để được như ngày hôm nay”, bà trìu mến nói về chồng mình.