Huyền thoại Đình Rắn trấn giữ đất Mỏ Cày
Đình Rắn giờ đã trở nên khang trang, mới mẻ
Không những thế, Đình Rắn còn là nơi Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định – tức nữ tướng Ba Định khởi phát phong trào Đồng Khởi. Có giai thoại còn kể rằng, khi cô Ba Định bị Việt gian chỉ điểm, chính rắn thần trong Đình Rắn đã “hộ thể” cho cô Ba, giúp bà thoát khỏi nòng súng nanh ác của quân thù…
Rắn thần ăn thịt hùm beo
Đình Rắn tọa lạc ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đình Rắn nằm trong một con đường nhỏ heo hút, hai bên đường trồng cây bạch đàn khẳng khiu, miền Tây vào độ mưa bão, xác lá rơi kín lối đi. Từ cổng nhìn vào, Đình Rắn uy nghiêm như những giai thoại nhuốm màu linh thiêng về vùng đất này. Tiếp chúng tôi là ông Trịnh Văn Cước, Phó ban Khánh tiết của đình Rắn. Ông cười xòa, mời chúng tôi ly trà ấm, nói: “Coi ra, Đình Rắn quê tui cũng có chút tiếng tăm nên mấy chú mới lặn lội tới tận đây”. Ông Cước cho biết, khoảng đất này trước kia là nền miếu, vào khoảng thế kỷ 18, dân làng mới xây miếu cho to lên rồi gọi là Đình Rắn. Đình bị chiến tranh tàn phá nặng nề, gần như tan hoang đổ nát. Các cụ già trong làng thương tiếc chốn linh thiêng nên mới góp lá dựng đình để tiếp tục thờ phụng. Đến năm 1960, đình được nhà nước trùng tu mới được khang trang như ngày nay.
Theo cụ Cước, gọi là đình Rắn bởi ông bà kể lại, từ rất xưa tại gốc me cổ thụ trước đình có đôi rắn rất to. Mỗi khi “ông bà rắn” cuộn mình còn lớn hơn cái lu chứa nước. Dân trong vùng sợ hãi, không ai dám lại gần nơi “ông bà rắn” đang trú ngụ. Ngày nọ, có anh nông dân đi về khuya ghé ngang gốc cây nghỉ mát. “Mắt nhắm mắt mở” thế nào lại chọn ngay gốc cây me là nhà của “ông bà rắn”. Thất kinh, anh nông dân toan chạy, được dăm ba bước đã thấy có con beo đốm nhe nanh chắn ngang đường. Anh nông dân chắc mẩm phen này tan xác, liền quỳ sụp xuống khấn trời đất độ trì. Bên tai anh nghe tiếng xé gió vun vút, rồi tiếng beo đốm gầm lên kinh hãi, mở mắt ra đã thấy beo đốm đã nằm trong bụng “ông rắn”, thân “ông rắn” phình to ra như gốc cây cổ thụ. “Ông” nhìn con người nhỏ bé đang “xám hồn”, lết cũng không nổi, bò càng không xong vì sợ hãi, rồi đủng đỉnh quay đầu trườn đi. Anh nông dân về nhà bệnh 3 ngày mới định thần trở lại. Sau khi tỉnh táo, liền tụ tập bà con, dân làng lập đình trên mô đất có cây me nơi “ông bà rắn” ở để thờ cúng vì cái ơn cứu mạng. Ông Trịnh Văn Cước gật gù: “Kể từ đó dân đất này coi đình Rắn như chốn linh thiêng, trấn giữ bình yên cho dân lành”.
Nhưng thần linh cũng có lúc nổi giận. Những ngày đầu khai hoang lập đất, vùng này đã có thành hoàng và miếu thờ ông Hổ. Nhưng vì “ông bà rắn” quá linh thiêng, lại từng có lần cứu người khỏi nanh vuốt cọp beo, nên dân làng lại lập thêm đình thờ “ông bà rắn”. Đình Rắn do lập sau nên khang trang hơn, và không hiểu sao dân làng đến cúng bái nhiều hơn. Nhưng lạ một điều, cả 3 đời hương cả giữ đình của đình Rắn đều ngã lăn ra chết tức tưởi. Các lão làng bàn nhau thì ra rằng, có lẽ vì dân làng đã quên lãng miếu thần Hổ, nên ổng nổi giận phạt vạ vào hương cả của đình. Túng thế, các cụ họp lại “tương kế tựu kế” bầu luôn chức hương cả cho “ông Hổ”. Kể từ đó, đình Rắn chỉ có “phó hương cả”, nay gọi là Phó ban Khánh tiết mà thôi.
Ngoài giai thoại ly kỳ như thế, dân Mỏ Cày còn kể rằng, đình Rắn vốn dĩ rất nhiều rắn. Mỗi khi cúng kiếng, rắn trèo lên cả mái đình, nhiều đến nỗi cuộn vào nhau, “rối nùi”. Các vị lão làng trong ban Khánh tiết phải van vái, mong các “ông bà” đừng cắn ai, rồi dùng cả ván để làm rào chắn xung quanh đình, bởi sợ rắn nhiều quá, người đi sẽ giẫm phải mang tội với thần rắn linh thiêng. Câu chuyện này quả nhiên có thật, bởi trong quyển “Địa chí Bến Tre”, xuất bản năm 1995 đã từng viết lại: “…Vào thời đó, đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông, đình lại nằm trên một khoảnh đất cao ráo nên rắn hội tụ rất nhiều, hang ăn sâu vào giữa đình. Mỗi khi có lễ hội hoặc cúng đình, các chức việc trong đình phải bán lấy hàng chục tấm ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy đình có tên là đình Rắn”. Quả thật, những vùng đất lạ kỳ luôn sản sinh ra những điều linh thiêng, kỳ bí.
Con đường bạch đàn dẫn vào đình Rắn oai nghiêm
Thần Rắn trở về trừng trị ác bá
Bẵng đi rất lâu, những câu chuyện về “ông bà rắn” to như cái lu chỉ con được các cụ già lác đác nhắc lại cho con cháu nhớ về huyền tích vùng đất này. Nhưng vào khoảng 1958, câu chuyện thần rắn “hộ thể người trần” bỗng trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết. Từ các ngóc ngách của đồng sâu, hay chốn chợ thị ồn ã người ta đều kể về thần Rắn ở đình Rắn một cách kính cẩn, kiêng dè nhưng cũng nô nức nỗi mừng vui. Số là vào những ngày chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào cộng sản yêu nước, dân làng Định Thủy bỗng râm ran tin đồn “Rắn thần đã trở về trấn giữ mảnh đất thiêng”. Mới đầu, dân còn bán tín bán nghi, nhưng về sau đến lính Việt Nam cộng hòa cũng khiếp sợ. Có người còn về đơn vị kể lại vừa mới vấp phải “thần Rắn” nằm ngang đường như khúc cây, giương đôi mắt đỏ lòm, sáng quắc nhìn “người trần mắt thịt”.
Đầu năm 1960, bà Nguyễn Thị Định mà dân xứ dừa hay gọi là cô Ba Định bí mật cùng các cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre về đình Rắn họp bàn ngày Đồng Khởi. Tin tức bị lọt ra ngoài, đến tai chế độ Việt Nam cộng hòa. Họ Ngô liền sai một đạo quân dẫn đầu là viên Trung úy bảo an phục kích ngay đình Rắn để bắt các chiến sĩ cách mạng. Rất nhiều lính sợ “thần Rắn” không dám đi. Hơi hoang mang, viên Trung úy giắt theo bên mình rất nhiều lựu đạn để khi gặp “ông bà Rắn” to lớn là cho nổ banh thây luôn. “Thần hồn nát thần tính”, lúc đã gần bắt được cô Ba Định, thì bỗng nhiên một tên lính la hét tán loạn, cho rằng mình đã thấy “ông bà Rắn”. Sau, y rút chốt lựu đạn, tính ném cho “ông bà Rắn” tan thây thì không hiểu sao lại ném ngược vào đồng bọn. Tụi lính lại xôn xao anh lính kia chắc bị “Rắn thần” nhập. Viên Trung úy chỉ huy cũng bị thương nặng và mấy ngày sau bị một con rắn độc cắn chết.
Câu chuyện ly kỳ trên, có lẽ bắt nguồn từ chính cứ liệu lịch sử có thật. Khi ấy, đồng chí Nguyễn Thị Định và ông Hai Thủy, tỉnh ủy viên Bến Tre thời bấy giờ, đã dùng ám ngữ “cặp rắn trở về đình” để liên lạc. Từ đó lưu truyền nên câu chuyện “ông bà Rắn” từ xa xưa đã trở về giữ đất cho dân làng. Còn trận “không đánh mà thắng” bọn phục kích cũng là một trận đánh có thật. Theo đó, sự việc xảy ra vào ngày 14/01/1960, như ám ngữ “cặp rắn trở về”, bà Ba Định cùng ông Hai Thủy đã về đình Rắn để bàn kế hoạch Đồng Khởi. Không may, thông tin bị mật thám của Lê Xuân Khánh, Trưởng ty Công an Kiến Hòa, chính quyền Việt Nam cộng hòa nắm được. Khánh liền sai Trung úy Minh, dẫn một toán lính đi bắt cô Ba Định cùng các cán bộ Đảng. Đồng chí Lê Minh Đào (sau này là Đại tá, Chỉ huy phó Quân khu 8) đã tổ chức đánh nhóm phục kích này. Do lúc đó, súng ống, đạn dược còn thiếu, đồng chí Đào đã cho du kích dùng rắn độc làm bẫy đặt trên đường tiến quân của toán lính Việt Nam cộng hòa. Đám lính do quá sợ hãi, đã rút chốt lựu đạn quăng tán loạn, tự rước thương vong về phía mình. Viên Trung úy chỉ huy toán lính cũng bị rắn độc cắn, nhưng do bị thương nên hắn không chú ý đến vết cắn. Mấy ngày sau, độc tính phát tán, y gục chết. Tin viên Trung úy chỉ huy chết vì nọc rắn độc lập tức lan nhanh khiến người dân đồn nhau rằng đó là “báo ứng”. Dân làng nô nức truyền tin nhau “cặp rắn đã trở về”, “ông bà Rắn” đã hiển linh diệt trừ ác bá. Còn các đơn vị lính Việt Nam cộng hòa đóng tại Bến Tre lại càng thêm tin tưởng và sợ hãi đình Rắn. Biết được đây là thông tin không có lợi cho mình, Lâ Xuân Khánh toan phá hoại đình Rắn. Không dám bén mảng, chúng dùng bom, lựu đạn hòng đánh sập ngôi đình linh thiêng. Tuy có hoang tàn, đổ nát nhưng đình Rắn vẫn là vùng đất linh bao bọc lấy các chiến sĩ cách mạng trong suốt những năm kháng chiến máu lửa kinh hoàng.
Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ văn hóa Trần Hoàn ký quyết định công nhận ngôi đình là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2003, Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình thật khang trang trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn. Và cho đến ngày nay, đình Rắn vẫn uy nghiêm nằm đó, như chứng tích của những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ gắn liền với lịch sử giải phóng oai hùng.
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét