'Bà hoàng' đồng nát đất Hà Thành
Bà Bùi Thị Mỹ với công việc "mua cho người chán, bán cho người thèm" thường nhật
Niềm hạnh phúc của bà, ngoài việc tự lo cuộc sống cho mình còn xen lẫn chút tự hào bởi đã giúp cho không ít những người nghèo khó với việc 'mua của người chán, bán cho người cần'.
Tuy nhiên, sau những cuộc bán buôn tấp nập, trở về với bóng tối của căn lều dựng tạm, người đàn bà 60 tuổi không khỏi có những giây phút chạnh lòng…
“Bà hoàng đồng nát” đất Hà Thành
Nếu lần đầu đi qua khu vực Cầu Đôi, Từ Liêm, hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên khi thấy người mua kẻ bán tập nập ở một khu lớn tập trung đồ cũ nát các loại. Cũng ở đó, trên vị trí cao nhất của đống đồ, có che chiếc dù sờn mép, một người đàn bà đã đứng tuổi, có dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười với người mua, kẻ bán.
Tuy nhiên, với những người ở khu vực lân cận thì hình ảnh mua bán, chọn lựa đồ đạc giữa kho đồ cũ ấy không có gì xa lạ bởi đó chính là “siêu thị” đồ cũ của người phụ nữ được mệnh danh là “bà hoàng đồng nát” chốn Hà Thành: Bùi Thị Mỹ.
Trước khi đến với công việc buôn bán đồ cũ, bà Bùi Thị Mỹ (sinh năm 1954, Quán Sứ, Hà Nội) từng lăn lộn với rất nhiều việc khác nhau. Mới đầu, bà mở quán nước nhỏ ở ven đường 6. Không có vốn, bà chỉ cắm bốn cái cộc xuống đất rồi dựng lều bán nước. Sau đó, bà lại thuê người sửa xe, bơm vá xăm lốp ô tô.
Quán dựng ven đường nên bị dẹp, bà chuyển sang buôn thang tre ốp, buôn giấy, sắt vụn. Cứ như vậy, việc này đẩy việc kia rồi đưa bà trở thành “bà chủ” của “siêu thị” đồng nát có một không hai ở Hà Nội.
Trong “siêu thị” đặc biệt của bà Mỹ, người ta có thể tìm thấy rất nhiều các loại hàng hóa khác nhau. Đó là những thứ đồ công nghệ cao như điện thoại, loa máy tính, máy ép ảnh hay các đồ gia dụng dùng hàng ngày như quạt, bếp ga, nồi cơm điện, phích nước… Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại giầy dép, quần áo, túi xách cũ.
Mỗi ngày, bà Mỹ đều “thu nạp” vào cửa hàng của mình không biết bao nhiêu các “mặt hàng” khác mà “nguồn cung” chủ yếu là từ những người đi nhặt đồng nát. Họ có thể đem đến đây bán cho bà Mỹ bất cứ thứ gì mà họ thấy còn có thể sử dụng được: từ cái áo đã sờn, chiếc túi đã rách quai, đôi giày đã mòn vẹt đế đến chiếc ấm đã bung dây hay cái quạt cháy.
Không có một mức giá cố định nào cho những món đồ ấy. Tất cả đều được trả một cách cảm tính, ước chừng: có lúc là 5.00 -7.000 đồng, cũng có khi là hàng chục nghìn đồng. Song hầu hết những người bán đồng nát đều rất “hài lòng” với “bu” Mỹ bởi họ nói, bà hiền lành và mua đồ rất dễ. Bà không quá so đo, tính toán và thường xuyên trả cho họ mức tiền mà họ nghĩ là xứng đáng.
Khách hàng đến “cửa hàng” của bà Mỹ cũng có rất nhiều đối tượng khác nhau: dân lao động, thợ xây dựng, sinh viên, công chức. Thậm chí, theo bà Mỹ nói thì còn có cả những “đại gia”. Họ đến đây, tìm kiếm trong đống đồ cũ để chọn ra cho mình những món đồ còn dùng được với giá rất rẻ.
Có ông ngoại của hai đứa cháu sinh đôi đến chỗ bà mua hai chiếc xe đồ chơi cho cháu. Lại có những sinh viên đến tìm cuốn truyện cũ, đôi giày, chiếc mũ, cái túi… Điều đặc biệt hơn cả là những người mua đồ của bà hoàn toàn có thể mang trả lại món đồ đã mua hoặc đổi lấy những món đồ khác có giá trị tương đương.
Bà Mỹ không những không kêu ca phàn nàn mà còn rất ủng hộ và thường xuyên khuyến khích khách hàng của mình làm như vậy. Bà Mỹ nói, những món đồ tưởng chừng như không còn giá trị sử dụng sẽ rất có ích với những người đang cần đến nó.
Với phương châm “mua của người chán, bán cho người cần”, bà Mỹ tin rằng những món đồ ấy vẫn sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng khi đến tay người chủ mới. Đó cũng là cách giúp cho người nghèo sở hữu được những đồ dùng cần thiết.
“Cửa hàng” của bà Mỹ không có cơ ngơi hoành tráng nhưng lại mang đến cho bà một nguồn thu nhập đáng kể. Do số lượng hàng hóa nhiều, không thể quản lí một mình nên bà Mỹ có thuê ba người để trông đồ cũng như bán hàng. Tiền công cho mỗi người mỗi ngày là 120 nghìn.
Tính ra một tháng bà phải chi khoảng hơn 10 triệu đồng tiền thuê người chưa kể đến 1,5 triệu tiền thuê mặt bằng. Như vậy, số tiền hàng tháng mà bà Mỹ kiếm được khoảng trên 10 triệu – đây thực là số tiền đáng mơ ước với nhiều người, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.
Nỗi lòng của người đàn bà 60 tuổi
Tự hào về công việc có ích, có thu nhập của mình song bà Mỹ cũng mang trong mình những tâm sự của một người đàn bà gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Gia đình bà Mỹ vốn ở phố Cửa Nam. Bà lấy chồng rồi theo chồng về sống ở Phùng Khoang. Không may, chồng bà bị bệnh mất, để lại bà với mấy đứa con còn thơ dại.
Vì ông bà không có đăng kí kết hôn nên sau khi chồng mất, người em chồng không cho bà Mỹ ở lại trong nhà. Quyền lợi, suất phận đều không có, bà rời nhà với hai bàn tay trắng.
Một thời gian sau đó, bà Mỹ “rổ rá cạp lại” với người đàn ông cũng từng có gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống mới, bà cũng không được hưởng nhiều hạnh phúc. Ông bà có thêm với nhau hai người con nên tính cả con chung, con riêng là được 9 người. Tuy nhiên, theo bà Mỹ nói thì các con bà cũng đều mải mê lo cuộc sống riêng của mình nên ít có thời gian chăm sóc cho cha mẹ.
Các con thường chê nghề của bà là bẩn thỉu, đồ là đồ của người chết nên không muốn làm, không giúp đỡ. Thỉnh thoảng, các con bà cũng ghé qua nhưng chỉ để xem có đồ gì còn tốt thì lấy về. Trong khi đó, người chồng thứ hai của bà thì đam mê gà chọi. Ông ôm gà đi đá suốt ngày. Nếu thắng thì ông đi uống bia, khao bạn bè mình. Còn nếu thua thì ông lại đến chỗ bà lấy hàng, lấy tiền.
Để trông coi được hàng hóa nên bà Mỹ ngủ lại ngay chỗ bán hàng. Bà dựng một lều nhỏ ở phía sau đống hàng, ăn ngủ tại đó. Ngày trước, bà cũng từng thuê người đến trông buổi đêm nhưng vì không có điện, nước nên chẳng ai chịu được vài ngày. Thành ra, cứ được dăm bữa, nửa tháng, họ lại bỏ.
Cuối cùng, bà Mỹ quyết định tự mình trông lấy đồ của mình bởi “bao nhiêu vốn liếng”, bà đều dồn hết cả lại. Ở một mình với kho hàng, cũng có những lúc bà đã bị bọn nghiện đến cướp đồ, đe dọa đốt nhà. Những lúc đó, dù có sợ, bà cũng tỏ vẻ cứng rắn mà “dọa” ngược lại bọn chúng.
Không có điện, bà chỉ thắp đèn. Nước thì bà đi xin các nhà xung quanh, tắm giặt một cách tiết kiệm. Bà cũng không nấu nướng gì nhiều. Hằng ngày, bà ăn cái bánh, nắm xôi qua bữa. Có lúc, những người bán đồng nát bán lại cho bà gói mì thì bà lại nấu ăn. Bà nói, nhiều người cứ ghê những đồ ăn này nhưng bà không sợ mà vẫn nấu ăn rất bình thường.
Bà cũng lập bàn thờ người chồng cũ ở ngay trong lều mình ở. Những ngày rằm, mùng một thì bà thắp hương. Thỉnh thoảng, bà cũng thỉnh chuông cầu nguyện để lòng mình thanh thản.
Bà Mỹ chia sẻ rằng, công việc bận rộn khiến bà quên năm quên tháng trong cuộc đời mình. Thế nhưng, những lúc một mình, bà thấy buồn và mệt mỏi. Bà từng nghĩ mình sẽ bán cả kho hàng đi để rồi về sống với con cái, mỗi đứa một thời gian. Song, mỗi lần bà nói ý định của mình thì con trai cũng như con gái đều tỏ thái độ khó khăn.
Thành ra, bà lại tiếp tục ở lại với “siêu thị” đồng nát của mình. Tuy nhiên, vượt lên khỏi những nỗi buồn, bà Mỹ sống rất lạc quan và yêu đời. Ai gặp bà cũng đều nhận thấy người đàn bà 60 tuổi, lại trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời vẫn còn tươi trẻ hơn nhiều so với tuổi thực. Bà nói, điều bà cảm thấy may mắn trong cuộc đời là đến giờ phút này bà vẫn có thể làm việc và tự lo cho cuộc sống của mình.
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét