Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Ngày “hồng tang”

@ nguontinviet.com


Bà Đoàn Thị Vân (79 tuổi) treo cờ rủ trước cửa nhà trên phố Hàng Bông (Hà Nội)

Bà Đoàn Thị Vân (79 tuổi) treo cờ rủ trước cửa nhà trên phố Hàng Bông (Hà Nội)


59 năm trước, Hà Nội được đón mừng những người chủ thật sự của mình quay trở lại sau chín năm kháng chiến gian khổ, dài dặc.


Kể từ ngày ấy, Hà Nội vĩnh viễn có Hồ Chí Minh, có Võ Nguyên Giáp, hai người con kiệt xuất của dân tộc, làm điểm tựa cho niềm tin, hi vọng của bao người.


Cũng vẫn là mùa thu. Tháng 9/1969, “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” khóc Bác Hồ. Tháng 10 này, từ Hà Nội đến Quảng Bình, từ TP.HCM đến Điện Biên, Cao Bằng, từ Mường Phăng sang Pắc Bó đều rơi nước mắt thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng trời không mưa nữa, Hà Nội những ngày này trời đẹp, nắng trong. Xét theo lẽ sinh tử, Đại tướng đã ở trên đời suốt 103 năm, sự nghiệp đã thành, đời người đã trọn, lại còn được hưởng thêm tuổi trời. Đám tang ấy theo phong tục người Việt, được gọi là “hồng tang”, nghĩa là cả người đi, người ở đều được hưởng phúc ấm.


Hiểu như vậy, nhưng ai cũng thương tiếc, ai cũng ước giá Đại tướng tại thế thêm ít lâu nữa, dù khi ông còn, cũng không mấy ai được gặp mặt. Vì Đại tướng còn, nghĩa là niềm tin, hi vọng còn điểm tựa là một gốc đại thụ.


Xếp hàng dài dặc trong dòng người, bước trong khu vườn xanh mát, lướt qua căn nhà bài trí giản dị, chạm vào bức ảnh Đại tướng đang mỉm cười, những khóm hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan ngập sân như nhắc lại với mọi người: đây là một “hồng tang”, nhắc lại rằng: sau 103 năm, Đại tướng đã để lại cho đời bao nhiêu điều tốt đẹp.


Trong dòng người, trong những câu chuyện lao xao, người ta nhắc đến những chữ “Dũng”, chữ “Đức”, chữ “Nhân”, chữ “Nhẫn”, chữ “Công”, chữ “Hi sinh” trong cuộc đời Đại tướng. Có người nói tuy là Đại tướng nhưng chất “nước” sâu đằm trong ông còn lớn hơn chất “lửa”. Có người bảo giữa các vai trò Đại tướng và thầy giáo mà ông đã thực hiện trong đời, khó mà so sánh vai trò nào lớn hơn... Dòng người không tuổi, không tên, nước mắt rớt ra ngoài ít hơn nước mắt tràn trong lòng, mà hình như ai ai cũng hiểu rõ Đại tướng, ai ai cũng thấu được những ánh lấp lánh tỏa ra từ ông.


Nhìn vào dòng người ấy có thể đọc được những ước vọng của lòng dân, có thể soi rọi được những phẩm chất, giá trị của người lãnh đạo mà dân cần có. Soi vào những giọt nước mắt ấy có thể thanh lọc, có thể gội rửa để “khơi tốt, gạt xấu” như lời Đại tướng đã để lại. Điểm hội tụ lòng dân này, Đại tướng đã chuẩn bị suốt 103 năm và hôm nay tặng lại cho đất nước.


“Dĩ công vi thượng”, Đại tướng luôn đặt việc công lên làm đầu trong cả đời mình, mặc những thăng trầm thời thế. Ngày hồng tang này, xin hãy lắng lòng mà ngẫm về những điều vĩ đại trong 103 năm ông sống: những chiến thắng của một vị tướng, những triết lý sống của một thầy giáo. Những người thân cận của ông đều nhắc lời Đại tướng dặn: “Đoàn kết mới làm được việc lớn”. Đại tướng đi xa, nhưng những điều vĩ đại vẫn còn đó, dành cho những người đang sống. Hôm nay đã chung tâm, chung lòng trong niềm tiếc thương vô hạn. Nếu mọi người lại cùng chung tâm để soi rọi lại mình, chung sức để cùng xây dựng đất nước, chung lòng để gìn giữ những thành quả mà thế hệ Đại tướng đã để lại thì có thể kể như bóng dáng ông vẫn còn mãi nơi đây.


* Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên:


Hồng tang - hồng phúc


Người Việt có một mỹ tục: những người đã sống trọn tuổi đời, được hưởng tuổi trời (trên 90 tuổi), tang lễ sẽ được gọi là “hồng tang”, khi xưa được đốt pháo tiễn đưa. Màu hồng (đỏ) ấy, tràng pháo ấy là mừng cho người đã khuất đã được sống trọn vẹn cuộc đời, được hưởng hồng phúc của trời.


Hôm nay, với 103 tuổi đại thọ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta được hưởng một quốc tang mang màu “hồng tang”.


Quả là Đại tướng đã dành hồng phúc cho mọi người. Không cần ai tổ chức, vừa nghe tin người người đã đến nhà Đại tướng bằng mệnh lệnh của trái tim mình. Trong dòng người nối dài viếng tang, những giá trị đẹp nhất của văn hóa Việt bỗng chốc sống dậy, bỗng chốc thức tỉnh. Những giá trị mà bấy lâu nay bị hoàn cảnh, bị thời thế làm cho khuất lấp, khiến không ít người phải xót xa, phải kêu lên tuyệt vọng. Nhìn vào dòng người, những người nghiên cứu, quan tâm đến văn hóa như chúng tôi thở phào: những gì tốt đẹp vẫn còn đó.


Trong hàng vạn người đến viếng tang, có những người lính, cựu binh, có những người lớn tuổi đã sống qua thời đại của Đại tướng, lại cũng có những bạn trẻ chỉ biết về Đại tướng qua sách vở. Niềm tin đã được chia sẻ qua các thế hệ, lòng dân được quy về một mối. Đây có thể coi là chiến công cuối cùng vĩ đại nhất của Đại tướng. Điều ấy cũng là một hồng phúc.


* Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (98 tuổi):


Phúc ấm ấy phải giữ


Đại tướng đã đến tuổi đại thọ, thế nhưng khi nghe tin Đại tướng ra đi, tôi vẫn nghe trong lòng bàng hoàng, đau xót. Đến viếng tại nhà riêng, thấy bao nhiêu người khóc, càng thấm nỗi tiếc thương ấy. Tuy nhiên, nghĩ lại thì Đại tướng đã 103 tuổi, lại là một vị tướng đã từng phải nát óc tính toán chiến lược, chiến thuật, từng vượt bao gian khổ, hiểm nguy ở chiến trường, từng cả đời hi sinh chiến đấu cho đất nước. Sống đến tuổi ấy là cả một niềm tự hào của gia đình, phúc ấm để lại cho dân tộc.


Cả cuộc đời, Đại tướng đã để lại bao nhiêu hạnh phúc cho dân tộc, đất nước: chiến đấu cho độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ hòa bình. Hôm nay để tang Đại tướng, hưởng phúc ấm “hồng tang”, chúng ta phải cùng nhau mà gìn giữ.


* Nhà báo Trần Định:


Nhân những chữ “hồng”


Mây trắng ơi, cùng chúng tôi/ Sẻ chia thương tiếc tiễn người đi xa/ Trời nắng dịu, mưa đừng sa/ Nhân dân cả nước vẫy hoa tiễn người...


Là bài thơ mà tôi ghi lại để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi cụ qua đời.


Tôi có 11 năm được phân công chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào những dịp gần gũi với Đại tướng, tôi đã học được ở Đại tướng rất nhiều điều. Những người khác, chưa được gặp Đại tướng, cũng học được rất nhiều từ cuộc đời của ông.


Tôi đọc được ở đâu đó trên mạng xã hội, người ta chia sẻ với nhau về việc chờ đợi 4 tiếng, 5 tiếng để chỉ được vào viếng Đại tướng vài giây. Trong khi chờ đợi, bao nhiêu câu chuyện tốt đẹp về Đại tướng đã được kể, và qua đó, bao nhiêu bài học về những điều tốt đẹp đã được nhắc đến. Đó chính là điều được lớn nhất mà người dân Việt Nam đang chia sẻ cho nhau, những điều tưởng chừng thật khó thấy.


Chữ “hồng” mà Đại tướng để lại, tôi cảm nhận được từ dòng người, từ những câu chuyện được bàn tán trong quán cà phê, trong mỗi gia đình. Chữ “hồng” ấy là những gì tốt đẹp sẽ được nhân lên trong mỗi con người, khi họ nhớ về Đại tướng kính yêu của họ.





Đăng ký: Bản tin Xã Hội

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Translate

Nguồn Tin Việt

Danh sách Blog

Websites