Phát hiện di vật khi khai quật hố ở Ô Chợ Dừa - đàn Xã Tắc
Một hố khai quật tại khu vực Ô Chợ Dừa - Ảnh: Phương Thúy
Hôm qua 22/10 tại Hà Nội, Viện Khảo cổ công bố những di tích vừa khai quật được ở khu vực Ô Chợ Dừa - đàn Xã Tắc. Các hố khai quật tại đây đều rất nhỏ, chỉ chừng 20 m2. Các hố khảo cổ dự kiến vừa khít với mố cầu sẽ xây dựng. Theo đó, đơn vị thi công sẽ khoan cọc nhồi tại đây. Diện tích khai quật vừa khít mố cầu này được cho là để hài hòa cả việc giao thông đi lại hiện thời. Nếu mở rộng nữa, nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đời sống dân sinh. “Thường thì nếu xây dựng một diện tích 20 m2, người ta khai quật khoảng 100 m2 để biết cả xung quanh. Nhưng ở đây thì không thể”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ nói.
Hố đào quá nhỏ
Hố thứ nhất nằm ở đầu đường Khâm Thiên đi vào Ô Chợ Dừa. Hố thứ hai nằm ở nhánh bên phải của đường La Thành đi vào Ô Chợ Dừa. Hố ba và bốn nằm trong khu dân cư đã giải tỏa thuộc ngõ Đình Đông, phường Ô Chợ Dừa. “Theo thư tịch cổ và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, đây là cửa Trường Quảng của La Thành Thăng Long trong lịch sử”, ông Tín nói.
Tại hố thứ nhất, các nhà khảo cổ tìm thấy lớp phù sa sông màu xám đen có lẫn nhiều mảnh ngói, sành vỡ vụn. Hiện vật trong lớp này chủ yếu có niên đại thời Lê. Lớp thứ hai là lớp đất phù sa sét màu nâu đỏ dày. Trong đó chứa nhiều hiện vật như đồ sành, bát hoa lam mang đặc trưng của thời Lê, thế kỷ 15 - 16. Lớp tiếp theo là đất phù sa cát màu nâu xám hơi đỏ, có nhiều hiện vật đặc trưng thời Trần, có một số thời Lý. “Trong hố này nhiều khu vực có than tro dày dạng bếp, nhiều hiện vật còn nguyên. Có thể đây là khu cư trú trong thành. Khu vực di tích này có liên quan mật thiết đến La Thành Thăng Long, và có thể là cả với đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, do diện tích hố đào quá nhỏ nên chưa thể xác định mối quan hệ giữa chúng”, ông Tín nói.
Tại hố số hai, đất có dạng phù sa sông màu xám đen. Hiện vật trong hố khá nhiều, gồm đồ sành, gốm men, vật liệu kiến trúc từ thời Lê đến thời Nguyễn. Tuy nhiên, gốm men đều bị ố men thành màu xám do ngâm trong nước/đất đen lâu dài. “Hố hoàn toàn là đất bùn đen nằm ở đáy sông, suối. Nó cho biết hố đào nằm ở khu vực gần dòng chảy cổ. Đó có thể là ven sông Kim Ngưu hoặc cửa nước từ trong thành chảy ra Kim Ngưu ở gần cửa Trường Quảng của thành Thăng Long xưa”, báo cáo khai quật cho biết.
Tại hố số ba, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật thời Trần, thời Lê. Đặc biệt, có một nền đất đầm chặt có thể là mặt bằng sân đình Đông. Cũng có phần khá vuông vức như một cấp bậc có thể là lối đi lên đình Đông. Tuy nhiên, diện tích xuất lộ quá nhỏ nên các nhà khảo cổ chỉ có thể nêu giả thuyết.
Tại hố cuối cùng không thấy dấu tích di tích gì.
Các nhà khoa học xem xét hiện vật
“Có thể giao cho giao thông làm cầu”
Theo báo cáo của Viện Khảo cổ, ngoài hố thứ tư hoàn toàn không có di tích, di vật, 3 hố còn lại đều phát hiện dấu tích di tích, di vật thuộc các thời đại khác nhau. Hố thứ nhất cho thấy di tích sinh hoạt của cư dân. Họ phỏng đoán điều này có liên quan tới đàn Xã Tắc hoặc cửa Trường Quảng. Hố thứ hai có khả năng là lạch nước nhỏ từ thành đổ ra sông Kim Ngưu. Hố thứ ba cho thấy đến thời Lê, khu vực này mới được dân đắp nền để làm di tích Đình Đông.
“Tại các hố khai quật, đã phát hiện được một số di tích khảo cổ kiểu vết tích bếp đun nấu, nền đất đắp. Tuy nhiên đó không phải là những di tích tiêu biểu kiểu kiến trúc gạch, đá... Di vật thu được cũng không nhiều, tuyệt đại đa số là mảnh vỡ gạch ngói, sành, sứ...”, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ nói.
GS Hoàng Văn Khoán cho biết: “Nếu cầu đi thẳng như trước kia ở đàn Xã Tắc thì nhà khoa học phản đối. Thành phố đã chuyển móng cầu sang bên này để tránh. Giờ đào khảo cổ rồi, thấy không có di tích kiến trúc, thì có thể cho giao thông làm cầu”.
Viện Khảo cổ học đề xuất, sau khi kết thúc thám sát, sẽ bàn giao hiện trường lại cho ban quản lý dự án để thực hiện xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa. “Như thế văn hóa và phát triển sẽ được hài hòa”, ông Tín nói.
Tuy nhiên, do diện tích khảo cổ quá nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu, Viện cũng đề nghị dự án thông báo với cơ quan liên quan nếu có bất cứ thay đổi gì về thiết kế và xây dựng tại khu vực này. Điều này sẽ giảm thiểu khả năng xâm hại đến hiện trạng đường La Thành (di tích La Thành Thăng Long) và khu vực di tích đàn Xã Tắc. “Trong quá trình thi công mố cầu, vẫn cần cơ quan chuyên môn khảo cổ học, bảo tàng giám sát. Làm vậy để nếu có gì phát sinh thì có phương án chuyên môn kịp thời”, ông Liêm cho hay.
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét