Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Huyền sử linh thiêng và bi tráng của chùa Đá Trắng tại Phú Yên

@ nguontinviet.com


Phong cảnh hữu tình của chùa Đá Trắng, nơi có giống xoài tiến vua và huyền sử đầy bi tráng

Phong cảnh hữu tình của chùa Đá Trắng, nơi có giống xoài tiến vua và huyền sử đầy bi tráng


Người ta kể rằng, những ai đến chùa Đá Trắng, nếu có duyên được tá túc tại chùa, về đêm sẽ nhìn thấy bóng hình một vị tướng, đầu đội kim khôi, tay mang trường thương, oai oai lẫm lẫm thúc ngựa giữa sa trường; và tiếng vó câu, tiếng quân đi rầm rập, oai hùng theo gió về lẩn khuất trong nhịp mõ giữa đêm khuya… Bởi, ngôi chùa này từ lâu đã trở thành chứng tích của những cuộc khởi nghĩa đầy bi tráng của quân ta trước giặc ngoại xâm.


Giống xoài tuyệt hảo tiến vua


Về Phú Yên, người ta vẫn thường được nghe câu ca dao “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài – Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì” để ca ngợi những đặc sản tiến vua của vùng đất duyên hải này. Thật ra, tương ngọt ở chùa Thiên Thai không nhiều, xoài ở Đá Trắng lại càng quý hiếm hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Huyền Ân từng biện giải về câu ca dao trên: “Khi xoài Đá Trắng già, các quan tỉnh Phú Yên cho đếm từng trái, ghi vào sổ, hư rụng phải báo. Đến mùa, quan định hái bao nhiêu, còn lại mới để cho thập phương thiên hạ. Đất ở đây toàn sỏi đá, số cây có quả ít, thử hỏi còn lại bao nhiêu? Chùa Thiên Thai nhỏ, các bà vãi đâu có mấy người, số tương làm ra không thể nhiều. Vậy xoài Đá Trắng, tương Thiên Thai ngon ngọt là đúng, nhưng rủ lên ăn, còn bảo “thiếu gì”, chính là một cách nói để khỏi bị từ chối”.


Chùa Đá Trắng nằm cheo leo trên đỉnh núi Xuân Đài, sát Quốc lộ 1A, đoạn giữa Quy Nhơn của Bình Định và Tuy Hòa của Phú Yên. Chúng tôi đến viếng chùa vào lúc chánh ngọ, sư thầy Thích Đồng Quang đưa chúng tôi đi xem những cây xoài cho thứ quả thanh ngọt lạ kì được ghi tên vào sử sách. Thầy kể rằng, xưa kia, trong những lần neo thuyền ngơi nghỉ trên đường chinh phạt quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh đã có lần được ăn xoài Đá Trắng. Xoài Đá Trắng trái rất nhỏ, cùi không dày, nhưng ngọt thanh, vỏ mỏng, vị thơm đến nao lòng, để chín muồi rất khó hư. Chúa ăn một lần đâm ghiền, nên khi vừa mới lên ngôi, Nguyễn Ánh đã ghi tên xoài Đá Trắng vào hàng “Nhị bảo ngự thiện” để tiến vua. Vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm, Phú Yên phải cống cho nhà vua từ 1000 – 2000 trái xoài Đá Trắng. Vì là giống xoài tiến vua, lại hiếm nên quan sở tại lúc bấy giờ phải cắt cử sai nha canh giữ vườn xoài, ghi chép tỉ mỉ quá trình ra hoa, đậu trái, thu hoạch. Xoài vừa hườm hườm chín, quan sẽ cho người hái xuống, ủ xoài trong giỏ tre có lót lá sầu đông, canh thời gian sao cho xe ngựa vừa đến kinh đô Huế thì Xoài vừa kịp vàng da. Xoài Đá Trắng về đến kinh thành, nhà vua sẽ cho mở tiệc thưởng thức xoài, chia lộc cho các quan đại thần.


Vị ngon của xoài Đá Trắng đã đi vào những giai thoại thú vị được lưu truyền trong nhân gian. Ví như câu chuyện của vị tướng đến dự tiệc trễ, nên không được vua ban cho xoài Đá Trắng. Nghe danh xoài Đá Trắng đã lâu, mà nay không được vua ban, vị tướng nọ cứ bực dọc trong lòng. Cuối năm ấy, giặc nổi can qua, Nguyễn Ánh liền sai vị tướng nọ cầm quân dẹp loạn. Nghĩ đến bữa xoài hụt, vị tướng hậm hực tâu: “Thưa bệ hạ, sao ngài không sai những người được ăn xoài Đá Trắng đi đánh giặc”.


Hiện nay, tại chùa Đá Trắng chỉ còn lại 4 cây xoài đã già cỗi nằm ở 4 góc chùa. 4 cây thì có đến 3 cây đã lâu không ra trái, còn một cây có khi đậu trái, có khi “nín” hẳn. Trong vườn chùa cũng có khá nhiều cây xoài, nhưng đó là giống từ nơi khác, không phải loại xoài tiến vua tuyệt hảo. Sở Nông nghiệp địa phương đã rất nỗ lực khôi phục lại giống xoài quý hiếm trên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả nào khả quan.


Bản tráng ca gắn liền với chùa Đá Trắng


Ngoài nổi tiếng về giống xoài tuyệt hảo tiến vua, chùa Đá Trắng còn là nơi hết mực linh thiêng với giai thoại về linh hồn nghĩa sĩ cưỡi ngựa, vung thương quẩn quanh chùa… Bởi đây là căn cứ bí mật gắn liền với những thủ lĩnh nghĩa quân oai hùng như Lê Thành Phương, Trần Cao Vân, Võ Trứ… Người xưa lưu truyền rằng, tuy những cuộc khởi nghĩa này đều bị quân thù nhấn chìm trong biển máu, nhưng chí khí ngút trời của bậc hùng anh vẫn chưa hề tan biến, mà quẩn quanh trên núi Xuân Đài, nghe chuông mõ vẫn chẳng thể siêu sinh. Thế nên, không lạ gì, khi người dân nơi đây thấy rất bình thường mỗi lúc có ai đó kể rằng mình nghe tiếng vó ngựa, tiếng quân đi rập rình, văng vẳng lúc xa, lúc gần tại chùa Đá Trắng. Sư thầy Thích Đồng Quang chia sẻ: “Ngay cả ma ở trong chùa thì cũng không đáng sợ, huống chi linh hồn các vị tướng nếu có quẩn quanh chùa thì cũng là điềm phước cho vùng đất này. Bởi người ta nói, “sinh vi tướng, tử vi thần”, các vị đã “hiển thánh” rồi thì không cần siêu sinh để làm kiếp con người nữa”.


Huyền sử linh thiêng và bi tráng của chùa Đá Trắng tại Phú Yên | Huyền sử chùa Đá Trắng, Phú Yên, Phóng sự khám phá, Huyền sử chùa Đá Trắng, Chống giặc ngoại xâm


Nơi thờ Trần Cao Vân và Võ Trứ chỉ là một căn miếu nhỏ để tránh tai mắt của thực dân


Trang sử bi tráng chống ngoại xâm của dân tộc có ghi lại rằng, ngày thất thủ kinh đô vào năm 1885, Tôn Thất Thuyết đã phò vua Hàm Nghi bôn tẩu ra sơn phòng, xuống chiếu Cần Vương. Sĩ tử Phú Yên của khoa thi năm ấy, giữa chừng đều ngược đường trở về quê. Ngày 15/8/1885, giới sĩ phu Phú Yên đã quy tụ lại, xây dựng tổ chức chống Pháp. Tại huyện Tuy An, sau khi làm lễ tế cờ, đọc chiếu Cần Vương, lãnh tụ Lê Thành Phương được nghĩa quân Phú Yên, từ các bậc sĩ phu đến giới quan lại đồng lòng suy tôn làm thống soái, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Đến tháng 1/1886, vua Hàm Nghi cử sứ thần vào chính thức tấn phong Lê Thành Phương làm Tổng thống quân vụ đại thần (Nguyên soái) của triều đình Cần Vương.


Lê Thành Phương sinh tháng 3/1825, vốn nổi tiếng thông minh, thao lược toàn tài. Ông từng đỗ tú tài nhưng không tiếp tục khoa cử để thăng quan tiến chức, mà về quê dạy học và phụng dưỡng cha mẹ. Bà con quanh vùng thường gọi ông là Tú Phương. Phái chủ chiến triều đình nhà Nguyễn là các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương hết sức tin cẩn, đặt nhiều kỳ vọng vào ông. Nước nhà vào hồi nguy nan, các sỹ phu như Ngô Quang Bích cũng tìm đến thôn trang gặp Lê Thành Phương bàn chuyện quốc sự. Từ Nam Kỳ, Nguyễn Thông cũng bôn ba ra Phú Yên tương ngộ người đồng chí hướng…


Chỉ trong vòng 4 tháng, dưới sự lãnh đạo của Lê Thành Phương, nghĩa quân Cần Vương đã làm chủ cả một vùng rộng lớn, khiến thực dân Pháp vô cùng lo ngại. Chùa Đá Trắng trở thành một pháo đài vững chải. Lê Thành Phương cho đặt nơi đây hai khẩu thần công đại bác để canh phòng mặt biển, trực tiếp bảo vệ tổng hành dinh đóng cách đó hơn 10km về hướng Nam. Chùa Đá Trắng còn là nơi gặp gỡ, hội họp giữa Thống soái Lê Thành Phương với các cấp chỉ huy.


Sau 2 năm oanh oanh liệt liệt, Lê Thành Phương trúng kế “điệu hổ ly sơn” của tên Việt gian Trần Bá Lộc, ông sa vào tay giặc. Đúng 10 giờ trưa ngày 20/2/1887, giặc chém đầu vị anh hùng để thị chúng. Trước lúc máu đổ đầu rơi, Lê Thành Phương đã ngẩng cao đầu đọc hai câu thơ tuyệt mệnh đầy khí phách: “Anh hùng mạc quản doanh do luận - Tổ quốc hà cô sỉ nhục ta!”. Hai khẩu thần công của Lê Thành Phương đã đi vào ca dao của đất Phú Yên đầy huyền tích: “Ngó ra ngoài đỉnh Xuân Đài - Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông”.


Lê Thành Phương bị chém đầu, nghĩa quân tan tác. Nghe tin dữ, từ Quảng Nam, Trần Cao Vân tất tả bôn ba vào Bình Định gặp Võ Trứ - cánh tay phải của lãnh tụ nghĩa quân Mai Xuân Thưởng. Đường xa gió bụi, nhiễm phong sương, Trần Cao Vân bị sốt rét liệt giường. Võ Trứ nóng lòng báo quốc hận, nên dù Trần Cao Vân khuyên giải thời cuộc vẫn chưa đến, Võ Trứ vẫn một mình một ngựa vào Phú Yên tổ chức lực lượng kháng chiến. Trước cái chết bi tráng của chủ tướng Lê Thành Phương, nhân dân các tầng lớp từ sỹ phu, nông dân cho đến sư sãi đều ôm mối căm hờn sâu sắc với bọn thực dân. Nên khi Võ Trứ lập cờ “Minh trai chủ tể” đã quy tụ một lực lượng nghĩa quân không nhỏ. Lễ Vu Lan, lợi dụng cơ hội khách thập phương về chùa Đá Trắng vía Phật, lãnh tụ Võ Trứ triệu tập một cuộc họp bí mật tại chùa. Trần Cao Vân nhận được tin, dù bệnh tình trầm trọng ông vẫn lên võng cho người khiêng rời Bình Định vào Phú Yên dự họp khẩn cấp. Đúng như dự liệu của Trần Cao Vân, cuộc khởi nghĩa lãnh tụ Võ Trứ đã thất bại nặng nề. Quân Pháp gọi cuộc khởi nghĩa này là “giặc thầy chùa” , “giặc rựa”. Chùa Đá Trắng lại một lần nữa chứng kiến kết thúc bi tráng của hàng ngàn nghĩa quân yêu nước.


Võ Trứ và Trần Cao Vân trốn thoát, lên động Bà Thiên ẩn náu. Để dò tung tích hai thủ lĩnh, giặc đàn áp, tra khảo dân quanh vùng một cách dã man. Biết tin, thương dân lành vô tội, Võ Trứ đành từ biệt Trần Cao Vân, một mình ra nộp mạng cho giặc. Ông bị xử trảm, bêu đầu đến khô để thị chúng. Trần Cao Vân lại thân cô, thế cô tìm đường chống Pháp.


Sau hai cuộc khởi nghĩa tại chùa, thực dân Pháp bắt đầu kiểm soát chặt chẽ nơi đây. Nên dù thương xót, nhà chùa chỉ dám lập một ngôi miếu nhỏ, vô danh để thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ và Trần Cao Vân cùng các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. Đến nay, ngôi miếu này vẫn còn trong sân chùa, và trở thành một biểu tượng linh thiêng, bi tráng của chùa Đá Trắng.


Kỳ tới: Lần theo vết tích những hạt xá lợi Phật bí ẩn tại Việt Nam





Đăng ký: Bản tin Xã Hội

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Translate

Nguồn Tin Việt

Danh sách Blog

Websites