Đổ xô trồng cây “thần dược”
Một cây xáo tam phân
Ngày 26/11, ông Hàng Văn Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cho biết cơn sốt “thần dược” xáo tam phân đã làm giống cây này tăng giá gấp 5 lần so với cách đây 3 tháng. Hiện ở xã Ninh Vân có hơn 10 hộ chuyên mua bán, ươm giống loại cây này.
Tại vườn ươm của anh Huỳnh Minh Quang ở xã Ninh Vân, nhiều cây xáo tam phân con được ươm trong bầu đất, cao 10-30 cm. Anh Quang cho biết đã ươm xáo tam phân được gần 1 năm và cây sinh trưởng tốt. Vào lúc cao điểm, nhiều người từ các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Bến Tre, TP HCM… đổ xô đến lùng mua, có lúc yêu cầu cả ngàn cây. Nhiều người còn thuê cả xe tải chở đất núi ở Ninh Vân đem về trồng “thần dược”.
Theo ông Huỳnh Minh Đốc - trưởng thôn Tây, xã Ninh Vân - sau khi rộ lên tin đồn bài thuốc xáo tam phân có thể chữa bệnh gan, ung thư... thì giá giống cây này tăng đến 7.000 đồng rồi 15.000 đồng/cây. Hiện nay, những cây cao 20-30 cm được mua với giá 200.000-300.000 đồng nhưng nhiều hộ vẫn không có để bán.
Thấy lợi, nhiều người dân trong thôn đã đổ xô đi trồng loại cây này. Có gia đình còn đầu tư vài chục triệu đồng để thuê người bứng cây về trồng. Tuy nhiên, việc ươm giống đạt kết quả thấp, 10 cây chỉ sống khoảng 3-4 cây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nhiều hộ dân ở vùng này còn nhập cây xáo tam phân trưởng thành từ Campuchia về để bán với giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg. “Để có 1 cây xáo tam phân trưởng thành phải mất 7-10 năm; nếu chỉ sử dụng lá, cành cũng mất khoảng 5 năm. Với tình trạng như hiện nay, chỉ vài năm tới sẽ không còn loại cây này nữa” - anh Quang lo ngại.
TS Nguyễn Thướng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện chưa có cơ quan chức năng nào công nhận xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya trimera) là dược liệu. Do đó, hội không sử dụng xáo tam phân trong bất kỳ bài thuốc nào.
Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở NN-PTNT chủ trì cùng Hội Đông y, UBND thị xã Ninh Hòa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng khảo sát, khoanh vùng để quản lý, bảo tồn và phát triển cây xáo tam phân. Tuy nhiên, việc khoanh vùng nghiên cứu chỉ mang tính bảo vệ đa dạng sinh học chứ không phải bảo vệ nguồn dược liệu quý.
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét