Bí mật ngôi mộ cổ ở công viên là "địa điểm ám ảnh nhất thế giới"
Ngôi mộ cổ
Nỗi oan của công viên đẹp nhất thành phố
Nằm ngay trung tâm TP. HCM, công viên Tao Đàn là một trong những công viên đẹp nhất Sài Gòn. Nơi đây, thường được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Đặc biệt, Hội Hoa xuân hàng năm diễn ra vào dịp Tết Âm lịch tại công viên này luôn thu hút dự quan tâm rất lớn của dư luận.
Khoảng năm 2003, công viên này đã khiến báo giới tốn giấy mực khi thành phố quyết định kéo dài con đường Trương Định xuyên qua công viên. Theo địa hình hiện nay, công viên Tao Đàn có lẽ là công viên lạ nhất nước khi bị chia cắt thành 2 phần riêng biệt do bị cắt bởi tuyến đường Trương Định.
Xét về yếu tố lịch sử, năm 1926, ở góc đường Chasseloup-Laubat và Verdun chính phủ Pháp xây Viện Dục nhi (Institut de puériculture) để giáo dục trẻ em. Sau khi người Pháp rút lui, chính quyền Ngô Đình Diệm gọi nơi này là "Vườn Tao Đàn", hay Vườn Ông Thượng hoặc Vườn Bờ-rô. Bốn con đường bao quanh công viên thời đó là đường Huyền Trân Công chúa, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt, và Nguyễn Du (Nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Cách Mạng Tháng Tám và con đường xen ngang – Trương Định). Sau năm 1975, Vườn Tao Đàn đổi tên là "Công viên Văn hoá Tao Đàn", và giữ nguyên cho đến hiện nay.
Hiện tại, công viên Tao Đàn là địa điểm bách bộ được người cao tuổi yêu thích. Nơi đây cũng được chọn làm điểm hội họp, sinh hoạt của người trẻ, kể cả những hoạt động ngoại khóa của các trường tiểu học Quốc tế. Trong công viên này, Ban Quản lý Công viên cũng cho đặt nhiều dụng cụ tập thể dục dụng cụ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, còn có các tượng điêu khắc, hội họa, nhà nghỉ mát..
Năm 1992, Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trong công viên, và được trùng tu vào cuối năm 2010. Đền tưởng niệm này đã được UBND TP.HCM công nhận là Di tích lịch sử cấp Thành phố.
Theo như miêu tả của chuyên trang du lịch Rough Guides, một trong những chuyên trang du lịch được đánh giá là có uy tín trên thế giới, thì: “Với 10 ha vườn được che phủ bởi bóng cây cao, công viên Tao Đàn mang đến không gian yên tĩnh cạnh những đường phố ồn ào ở TP HCM. Nhưng khi mặt trời lạnh, không khí nơi đây khiến nhiều người "lạnh gáy". Người ta đồn rằng hồn ma của một thanh niên trẻ bị giết chết trong công viên vẫn lởn vởn ở đây tìm kiếm người yêu thất lạc của anh”.
Về chi tiết hồn ma của thanh niên trẻ bị giết chết, chúng tôi đã hỏi rất nhiều người sinh sống xung quanh và những người buôn bán ngay trong công viên, họ đều khẳng định: “Nếu có người chết trong công viên thì chắc chắn phải chết trước năm 1975. Mà trước 1975, Sài Gòn đang ở trong thời khắc giao tranh loạn lạc, tính vậy thì tính làm gì”.
Lãnh đạo Ban quản lý Công viên Tao Đàn cho biết: “Chúng tôi rất sốc trước thông tin mà báo chí quốc tế đã đưa. Từ năm 1977, năm tiếp nhận công viên đến nay, chúng tôi chưa từng nghe gì về chuyện ma quỷ ở công viên. Như anh thấy đó, công viên chúng tôi quang đãng, sạch sẽ, bảo vệ đi tuần 24/24. Thậm chí, 3 giờ sáng đã có nhiều cụ đến tập thể dục thì ma quỷ ở đâu ra. Tệ nạn còn không có ở công viên này, huống hồ gì là mấy chuyện tào lao mà họ đồn thổi”.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khả năng thông tin về ma quỷ được chuyên trang du lịch Rough Guides nhắc đến là vì ngôi mộ cổ nằm dưới những tán cây xanh, ngay cạnh trụ sở Ban quản lý Công viên Tao đàn.
Về ngôi mộ cổ này, đại diện Ban quản lý cho biết, UBND thành phố cũng đã công nhận đây là di tích cấp thành phố. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Ban quản lý coi sóc, bảo dưỡng. “Liệu Ban quản lý có biết đây là ngôi mộ của ai không?”, chúng tôi hỏi. “Không biết được. Thi thoảng, chúng tôi thấy có người tới quét dọn, thắp hương rồi bỏ đi. Chúng tôi có hỏi, nhưng họ không đáp từ nên thôi. Nhiệm vụ mình được giao thì mình làm”, đại diện Ban quản lý trả lời.
Bản đồ công viên Tao Đàn.
Bí ẩn ngôi mộ cổ giữa công viên
Được chăm sóc chu đáo nên ngôi mộ cổ rất sạch sẽ. Lúc nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam là Đỗ Đình Truật còn sống, chúng tôi từng có đặt vấn đề về ngôi mộ cổ trong công viên Tao Đàn. Ông có trả lời, nhiều khả năng đây là ngôi mộ của viên tướng tử trận thời Trương Minh Giảng giữ thành Gia Định trước sự nổi loạn của Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt). Lý do để ông đưa giả thuyết này là bởi đây là một nấm mộ lớn, được chôn cất ngay trong đất thành Gia Định xưa, hẳn phải là thi hài một người có công chứ không thể là “ngụy quân, tạo phản” với triều đình được. Còn nấm mồ thứ hai nhỏ hơn có thể là của bà vợ vị tướng nọ.
Theo quan sát của chúng tôi, khu mộ cổ này bao gồm 2 nấm mộ, được xây dựng rất kín đáo, bao bọc bởi bức tường thấp, cực dày. Lối vào có hai bệ đá được tạo hình hoa sen, cùng những bức tường ngang chắn tầm nhìn trực diện. Đây là kiểu bố trí mộ thường thấy ở những gia đình danh gia vọng tộc ngày xưa. Điểm đặc biệt của hai ngôi mộ này là đều được xây dựng bằng hợp chất vôi, mật… Phần mộ chính quay đầu về hướng tây bắc, rộng 3,5m, dài 3,7m, được chia thành hai phần với hai bài vị riêng. Ngôi mộ thứ hai nhỏ hơn nằm nép bên trái có hình khối chữ nhật, không có bài vị.
Tuy nhiên, lại xuất hiện một giả thuyết khác. Giả thuyết này cho rằng, đây là ngôi mộ của vợ chồng ông Lâm Tâm Lang, tự Nguyên Thất. Ông được an táng cùng vợ. Ông Lang là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc sang cư ngụ tại Sài Gòn, Gia Định. Vợ ông có tên là Mai Thị Xã.
Sinh thời, gia đình ông Lang là đại phú. Nên khi ông mất, gia đình đã cải táng ông ngay thành Gia Định, và khi vợ ông khuất núi theo, con cái đã để bà yên nghỉ cạnh ông. Thời thế đổi thay, người thân của ông bà lần lượt về lại nguyên quán ở Quảng Đông. Thi thoảng, họ có quay lại để khói hương cho ông bà.
Chính từ ngôi mộ cổ này, mà công viên Tao Đàn bỗng nhiên được phong tặng danh hiệu không hề mong muốn “địa điểm ám ảnh nhất thế giới”, cùng với những địa điểm được đồn đại đầy ma quỷ khác, như: Lâu đài Château de Brissac (Pháp), Tu viện Kloster Unterzell (Đức), nhà tù Lawang Sewu (Indonesia)…
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét