Bí mật bên trong các vũ trường Sài Gòn
Những kiều nữ sống bám ở vũ trường
Điểm danh các vũ trường "chui"
Một đại gia tên Đ. từng kinh doanh vũ trường ở Sài Gòn thẳng thắn: "Đa số vũ trường, bar ở Sài Gòn đều không có giấy phép kinh doanh, hoạt động chui trong suốt thời gian dài".
Khoác áo bên ngoài là nhà hàng, bên trong là vũ trường New Sài Gòn.
Một tụ điểm ăn chơi điển hình là vũ trường New Sài Gòn (số 11 đường Công Trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1).
Giữa tháng 6 trở về trước, New Sài Gòn khoác cái tên gọi là vũ trường 1102, ông L. (gốc Hà Nội) là người đầu tư kinh doanh. Vũ trường 1102 thực tế không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực vũ trường, bar...
Tuy nhiên, bên trong được thiết kế dàn âm thanh, ánh sáng, quầy bar dạng "khủng", hằng đêm quy tụ trên dưới 300 dân chơi về đây nhảy nhót đến tận 2-3h sáng.
Gần 2 năm hoạt động, vũ trường 1102 bị cơ quan chức năng kiểm tra hành chính cả chục lần, trong đó có 3 lần ra quyết định xử phạt, nhiều nhất là trên 80 triệu đồng và ít nhất chỉ 3 triệu đồng.
Bất ngờ, vào tháng 6, vũ trường này bỗng nhiên ngừng hoạt động để sửa chữa và đến cuối tháng 7 hoạt động trở lại với tên gọi vũ trường New Sài Gòn.
Lần trở lại này, địa điểm New Sài Gòn hoạt động, đăng ký kinh doanh là công ty cổ phần tổ chức sự kiện Sài Gòn Mới, được cấp phép hoạt động từ ngày 20/6 trong lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ ăn uống, du lịch, quảng cáo… do ông Nguyễn Thành Đạt (SN 1977, quê Hà Nội) làm tổng giám đốc.
Nhưng "bình mới, rượu cũ", dù “thay áo” bằng New Sài Gòn, nhưng vũ trường 1102 vẫn là một tụ điểm ăn chơi, hoạt động chui.
Không có giấy phép kinh doanh rượu, những tụ điểm ăn chơi chỉ bị xử phạt hành chính khá nhẹ.
Thực tế rạng sáng 18/8, New Sài Gòn bị đột kích, bị lập biên bản với 8 hành vi vi phạm hành chính. Thế nhưng theo ghi nhận của PV, ngay hôm sau và những đêm tiếp sau đó, New Sài Gòn vẫn mở cửa đón dân chơi ra vào…
Một điểm khác là 02 Gold Club (số 2, đường Hồ Huấn Nghiệp, P.Bến Nghé, quận 1), cách New Sài Gòn vài chục mét, cũng là tụ điểm ăn chơi trứ danh. Hàng loạt vụ đột kích, kiểm tra của lực lượng chức năng, nhưng đến nay, có vẻ như tụ điểm này đã… nhờn thuốc (?)
Hay bar Feeling (thuộc công ty TNHH Nhạc Trẻ) đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, được dân chơi Sài Gòn coi là điểm ăn chơi lớn ở vùng ven. Từ năm 2013 đến nay, bar Feeling đã 3 lần bị cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra hành chính.
Lỗi vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần là không có giấy phép kinh doanh vũ trường, quán bar… nhưng đến nay bar Feeling vẫn ung dung hoạt động.
Những chiêu trò đối phó
Theo một cán bộ đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa-Xã hội TP.HCM, chiêu lách luật phổ biến nhất của các vũ trường, bar chui là biến tướng từ tụ điểm được phép kinh doanh cà phê, nhà hàng…
"Một vũ trường chui bị kiểm tra nhiều lần, vi phạm có hệ thống sẽ bị đề nghị rút phép kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó các ông chủ lại thành lập công ty mới, do người khác đứng tên để tiếp tục kinh doanh biến tướng", vị cán bộ cho biết.
Đáng nói là trong tất cả các cuộc đột kích, kiểm tra, lỗi vi phạm hành chính phổ biến, bị “xử” tại các vũ trường, quán bar là kinh doanh rượu không phép. Nếu không có rượu không thể gọi là bar, vũ trường, vì thế nhiều tụ điểm ăn chơi thiết kế những hầm ngầm giấu rượu tinh vi.
Cựu nhân viên của vũ trường 1102 kể, sau lần bị bắt quả tang giấu rượu trong siêu xe Limousine đậu bên hông vũ trường, chủ của tụ điểm này thiết kế hầm rượu âm sau vách tường và đã qua mặt được cơ quan chức năng.
Theo anh này, mỗi tụ điểm có thiết kế hầm giấu rượu ngoại theo cách thức riêng; có vũ trường bên trong hầm bí mật là đồ nghề pha chế, sản xuất… rượu ngoại, có đóng nắp, dập tem như hàng thật.
Thực tế, mỗi lần kiểm tra, mức phạt là 400 ngàn đồng cho lỗi kinh doanh rượu không phép, do đó các vũ trường, bar cứ thoải mái đóng… phạt.
Mới đây rạng sáng 25/8, công an quận 1 đã đột kích quán bar 39, tại tầng hầm tòa nhà Kumho (số 39 đường Lê Duẩn, quận 1). Cùng với hàng loạt lỗi vi phạm, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ đến 16 thùng rượu.
Để đối phó với lực lượng kiểm tra, các vũ trường thuê đội ngũ xe ôm cảnh giới, đứng trước trụ sở các đoàn kiểm tra, hễ đoàn xuất phát theo hướng nào thì gọi điện báo về.
Cựu nhân viên vũ trường 1102 khoe: "Trước đây, 02 Gold Club bị… đánh như cơm bữa, nhưng 1102 né được hết. Đoàn kiểm tra vừa xuất phát, quản lý hạ lệnh cho bảo vệ, nhân viên giải tán hoặc gấp rút thì tắt nhạc, hạ cửa, khóa khách ở bên trong".
Chính vì vũ trường ở Sài Gòn hoạt động phức tạp cho nên giới tội phạm, dân ăn chơi và cả gái bán dâm luôn tìm về để thể hiện đẳng cấp và tìm khách kiếm sống.
Là điểm hẹn của những tay anh, chị.
Cuộc đột kích New Sài Gòn mới đây, 17 viên nén màu hồng và bịch chất bột được xác định là ma túy tổng hợp. Hay trong vụ kiểm tra vũ trường 02 Gold Club hồi giữa tháng 4, cảnh sát ma túy đã khám phá 1 đường dây mua bán ma túy tại đây với sự cấu kết của nhân viên và các đối tượng xã hội.
"Nếu vũ trường bị phát hiện có ma túy, chủ và quản lý cơ sở sẽ tung bài học thuộc lòng là: khách mang vào sử dụng, nhân viên, bảo vệ không kiểm soát được", đại gia Đ. từng kinh doanh vũ trường ở Sài Gòn hé lộ chiêu đối phó cơ bản nhất.
Được biết, để hút khách, đa số các vũ trường Sài Gòn sử dụng chiêu trò giảm giá vé hoặc thả cửa cho những chân dài vào…
Theo tìm hiểu, đây chính là đội ngũ PR mà vũ trường không cần trả lương, họ sống bám vũ trường bằng… vốn tự có, thực chất là những gái bán dâm hạng sang.
Các vũ trường Sài Gòn còn là “điểm hẹn” của các tay giang hồ. Sáng 18/8, khi đột kích vũ trường New Sài Gòn, công an quận 1 phát hiện 13 người dương tính với ma túy; 26 người khác (trong đó có 24 người gốc Bắc) bị nghi vấn hình sự, được mời về làm việc, trong đó 8 người có tiền án, tiền sự….
Với các tay anh, chị - trong cuộc chơi, chỉ cần nhìn ngó hay giẫm đạp chân nhau là dễ dàng dẫn đến những vụ thanh toán không nương tay.
Đăng ký: Bản tin Xã Hội
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét