Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Tuyệt chiêu “cú mượn lông công” để tiến thân

@ nguontinviet.com


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Vài năm gần đây các vị có chức sắc của ta rất ưa mốt in lên các-vi-dít và khi lên diễn đàn thì bắt giới thiệu học vị của mình lên trước chức sắc kiểu như giáo sư - tiến sĩ hoặc thạc sĩ này nọ rồi đến thứ trưởng hay vụ trưởng gì đó. Người thì bảo đó là sự làm sang. Nhưng trong thời buổi kinh tế này sự giới thiệu có tính văn hóa đó không thuần túy chỉ cho sang, cho oai mà nó bắt nguồn từ lợi lộc trong việc tăng chức, tăng lương, hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với các tài năng. Quy định cụ thể về chế độ đối với người “tài năng” lại để một khe hở khá lớn: thế nào là người có tài năng? Mà tất cả để đánh giá về tài năng của con người lại không bắt đầu từ việc làm, công trình khoa học, sự cống hiến của họ mà tất cả chỉ gói tròn trong tấm bằng học vị.


Mỗi khi định cất nhắc hay quy hoạch một cá nhân nào đó thì căn cứ vào hai tiêu chuẩn: Phải là đảng viên và có học vị. Riêng tiêu chuẩn thứ hai xét về mặt khách quan có thể nói là một bước tiến bộ của Nhà nước khi đưa chuẩn trí thức để sử dụng cán bộ. Song thật đáng tiếc, sự trọng dụng trí thức của ta không đi vào thực chất mà chỉ thuần túy hình thức. Vì vậy phát sinh việc dùng bằng giả để lừa dối và cầu lợi, làm băng hoại chế độ, hạ thấp trình độ cũng như uy tín của trí thức nước ta.


Ngay từ năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một cuộc rà soát lại trình độ học vấn của cán bộ, nhân viên đang làm việc trong bộ máy công vụ nước ta đã phát hiện ra hơn 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả. Đáng tiếc con số này không được công bố rộng rãi và cũng không được xử lý bất kỳ một trường hợp nào. Phải chăng, cách làm cải lương, nửa vời nên việc mua bằng giả, dùng bằng giả để tiến thân càng có cơ để hoành hành. Từ đó khiến cho những “con cú” trình độ văn hóa thấp nhưng lại có sự liều lĩnh của kẻ lưu manh để tiến thân bằng lối “mượn lông công” thông qua tấm bằng giả càng có điều kiện phát triển vì sự nương nhẹ của Nhà nước.


Người sử dụng bằng giả ở khắp mọi nơi và ở mọi thứ bậc công quyền Nhà nước. Từ ông Chủ tịch, Bí thư xã Đàm Minh Tuấn ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đến ông Cao Minh Quang Thứ trưởng Bộ Y tế. Những vị chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy dùng bằng giả như ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư thường trực tỉnh Yên Bái - được hỗ trợ 74 triệu để sang Malaysia làm tiến sĩ trong 6 tháng bằng cách mua bằng ở trường Nam Thái Bình Dương với giá là 17.000USD - một trường đại học đã bị Tòa án Hawaii (Hoa Kỳ) ra phán quyết giải thể từ 28/10/2003!


Đáng sợ hơn, sự dùng bằng dởm này còn hấp dẫn và có tính phổ biến ghê gớm đến độ cả 10 quan chức tỉnh Hà Tĩnh đều dùng bằng giả, bằng dởm, bằng không chất lượng. Trong đó có cả hai cha con Tiến sĩ Trần Đình Đàn và Thạc sĩ Trần Nhật Tân. Ông Đàn từng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh, có bằng Tiến sĩ đề tài “Huy động vốn để xóa nhà tranh tre nứa lá”, đã dùng chức vị của mình ép dân góp tiền thực hiện đề tài. Khi ông Đàn lên chức nữa thì đề tài lại trở lại con số 0. Con ông thì đi chữa bệnh bên Nhật về, khai tốt nghiệp Thạc sĩ công nghệ thông tin để mong được đề bạt vào chức Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Việt - Đức nhưng bị phía Đức là ông Ray-mon phản đối kịch liệt (dẫn theo thư phản ánh của dân báo mạng danluan.org tổng hợp).


Ông Nguyễn Thế Thảo có bằng kiến trúc sư, làm Chủ tịch TP Hà Nội, nhưng năm 6 năm qua, dưới sự lãnh đạo của vị kiến trúc sư này, thủ đô Hà Nội không những tràn ngập các công trình kém chất lượng mà còn ngày càng lộn xộn bởi sự xây cất bừa bãi, mất đi nhiều cảnh đẹp, không gian của thiên nhiên. Vậy thì cái bằng kiến trúc sư của ông là thật hay giả?


Ở một tỉnh Nam Bộ có tới 90 cán bộ chủ chốt xã tiến thân bằng bằng giả… Các vị cán bộ dùng bằng giả không bị lên án, trừng trị mà còn trèo cao hơn vào các chức vị quan trọng như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia… Ngay trong ngành giáo dục, số lượng các thầy dùng bằng giả cũng không hiếm. Tiêu biểu như thạc sĩ dởm Phạm Đức Hiệp, chỉ là kỹ thuật viên tin học nhưng với bằng thạc sĩ tự tạo đã đứng trên bục giảng dạy hết trường trung cấp này đến trường đại học khác.


Nghề làm bằng giả cũng theo đó ra đời. Tháng 12/2012 vụ làm bằng giả “như thật” bị phát giác tại TP HCM đã làm chấn động dư luận cả nước. Giá của tấm bằng này mang tên Trường ĐH Bách khoa TP HCM cấp là 25 triệu. Nhiều cơ sở làm bằng giả còn công khai giá các loại bằng như tiến sĩ 10 triệu đồng, thạc sĩ 8 triệu, đại học 6 triệu, cao đẳng 4,5 triệu…


Nhân viên Nhà nước ở các cấp còn xài bằng giả để leo cao, luồn sâu, trách chi các bằng giả dành cho lái xe, cho các ngành khác.


Cú có khoác lông công thì vẫn là cú. Đáng tiếc, vì bộ lông mượn đó mà những con cú có điều kiện để kiếm ăn và làm băng hoại giá trị của cuộc sống và thiên nhiên!





Đăng ký: Bản tin Xã Hội

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Translate

Nguồn Tin Việt

Danh sách Blog

Websites